Cũng theo nguồn tin riêng của phóng viên VietNamNet, ngoài 4 lãnh đạo cấp cao của Apple gồm CEO Tim Cook, Phó Chủ tịch Lisa Jackson, Phó Chủ tịch Iris Cui và Phó Chủ tịch Nick Amman, đoàn công tác của tập đoàn công nghệ lớn này còn có sự tham gia của bà Elizabeth Hernandez, Giám đốc cấp cao châu Á của Apple; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Apple Việt Nam và  bà Kristin Quayle, Phó Chủ tịch Truyền thông toàn cầu Apple.

Sáng ngày 15/4, CEO Apple Tim Cook cùng đoàn cán bộ cấp cao của hãng công nghệ toàn cầu này đã đến Việt Nam. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Tim Cook tới Việt Nam.

Trong thông tin đăng tải trên website chính thức của Apple Việt Nam, hãng đã cập nhật cảm nhận của Tim Cook về đất nước, con người Việt Nam: “Không có nơi nào như Việt Nam, một đất nước sôi động và xinh đẹp. Tôi vô cùng hào hứng khi được tới đây kết nối với các sinh viên, nhà sáng tạo và khách hàng, hiểu hơn về sự đa dạng trong cách họ sử dụng sản phẩm của chúng tôi để làm nên những điều phi thường”.

CEO Apple cũng cho biết: “Tại Apple, chúng tôi luôn nỗ lực để xây dựng những mối liên kết sâu sắc và mang đến nhiều lợi ích hơn cho người dân ở nơi chúng tôi hoạt động. Từ việc hợp tác với các nhà cung cấp địa phương, đến hỗ trợ các dự án cung cấp nước sạch và các cơ hội giáo dục, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục tăng cường các kết nối tại Việt Nam”.

ceo apple tim cook den vietnam 1.jpg
Sáng ngày 15/4, CEO Apple Tim Cook cùng đoàn cán bộ cấp cao của hãng công nghệ toàn cầu này đã đến Việt Nam. Nguồn ảnh: Apple

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Thế Bình, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực ICT Việt Nam nhận xét: Chuyến thăm lần này của ông Tim Cook một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Apple và các cam kết của họ trong việc mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Đến nay, Việt Nam cũng đã trở thành một thị trường không nhỏ của Apple, với gần 42% số lượng smartphone được sử dụng là các loại iPhone, tức là ước tính số người sử dụng lên tới hơn 28 triệu.

Tim Cook dự định gì khi sang Việt Nam?Tim Cook bất ngờ có chuyến thăm tới Việt Nam khi vị thế của Apple đối mặt với trở ngại nghiêm trọng trong ba tháng đầu năm nay. Đó là mức sụt giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Vũ Thế Bình cũng thông tin thêm, tại cuộc gặp mặt của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các tập đoàn công nghệ Mỹ trong đó có Apple vào tháng 5/2022, Thủ tướng đã khẳng định Việt Nam cam kết tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, dựa trên nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ hoạt động tại Việt Nam.

Thời điểm đó, ông Tim Cook cũng đã nêu rõ Apple cam kết và mong muốn mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam, phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, để tham gia vào chuỗi giá trị của Apple. Tại thời điểm năm 2022, Việt Nam đã có 31 doanh nghiệp với 160.000 công nhân tham gia làm việc tại các nhà máy lắp ráp và sản xuất các sản phẩm cho Apple. Cùng với đó, các dự án hỗ trợ cộng đồng mà Apple công bố cũng rất ấn tượng, như các dự án nước sạch ở Hòa Bình.

“Chúng tôi tin rằng chuyến thăm lần này của CEO Apple Tim Cook sẽ mang lại nhiều điểm tích cực cho Việt Nam, ở cả khía cạnh cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, cũng như gia tăng lòng tin cho các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Chúng tôi cũng tin rằng Chính phủ Việt nam sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết và các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như góp phần gia tăng giá trị công nghệ cho các doanh nghiệp Việt”, ông Vũ Thế Bình bày tỏ.

Cũng trong thông tin phát ra sáng ngày 15/4, Apple nhấn mạnh cam kết tăng cường khoản chi cho nhà cung cấp tại Việt Nam, cùng với tiến triển mới trong sáng kiến hỗ trợ nước sạch cho các trường học địa phương. Từ năm 2019 đến nay, Apple đã chi gần 400 nghìn tỷ đồng thông qua chuỗi cung ứng địa phương và đã tăng hơn gấp đôi mức chi hàng năm cho Việt Nam trong cùng kỳ.

Bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ hơn 10 năm trước, Apple hiện đang hỗ trợ hơn 200.000 việc làm trên cả nước thông qua hình thức việc làm trực tiếp, chuỗi cung ứng và nền kinh tế ứng dụng iOS. Theo đánh giá của Apple, nền kinh tế ứng dụng của Việt Nam tiếp tục là động lực tăng trưởng với số lượng việc làm tăng gần gấp 3 lần kể từ năm 2017; Việt Nam hiện nằm trong số 5 quốc gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực sản xuất trò chơi dành cho điện thoại.

Bên cạnh những hỗ trợ cung cấp nước sạch, năng lượng sạch cho các trường học hay tạo cơ hội quản lý sức khỏe, phát triển các kỹ năng lãnh đạo cho cộng đồng tại Việt Nam, Apple cũng đang hỗ trợ học sinh và giáo viên trên cả nước về phương pháp giáo dục STEM.

Sự hỗ trợ phương pháp giáo dục STEM của hãng tại Việt Nam được thực hiện bằng việc cung cấp các tài nguyên lập trình và phát triển ứng dụng bằng Tiếng Việt, bao gồm ứng dụng Swift Playgrounds của Apple và dự án “Ai cũng có thể lập trình”. Qua đó, các giáo viên có thể hướng dẫn học sinh thiết kế và xây dựng ứng dụng. 

Ngoài ra, trong năm 2023, Apple đã ra mắt apple store trực tuyến tại Việt Nam. Người dân trên khắp cả nước có thể mua sắm trực tiếp với Apple và trải nghiệm dịch vụ từ đội ngũ nhân viên có thể chia sẻ kiến thức chuyên môn bằng tiếng Việt.