Thập niên 80 và 90, Nhật Bản nằm trong số những cường quốc bán dẫn thế giới nhờ đầu tư từ cả khu vực công và tư nhân. Năm 1998, ở thời kỳ hoàng kim, doanh nghiệp Nhật Bản chiếm 51% doanh số bán dẫn toàn cầu. 

Tuy nhiên, khi xung đột thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ nóng lên, Mỹ dần dần mở rộng các mục tiêu để gây áp lực, từ dệt may và thép đến ô tô và tivi màu. Chính phủ Nhật Bản trở nên thụ động và lần lượt ký các hiệp ước. 

Những năm 1980, các công ty Mỹ phàn nàn rằng thị trường Mỹ đang bị tràn ngập trong chip của Nhật Bản. Hiệp hội công nghiệp bán dẫn và các hãng như Micron, Intel nộp nhiều đơn kiện chống lại các nhà xuất khẩu Nhật Bản năm 1985. Năm 1986, hai nước ký Thỏa thuận Bán dẫn Mỹ - Nhật cho quan chức Mỹ quyền giám sát việc định giá và cho phép tiếp cận thị trường bán dẫn của Nhật Bản. Nhật Bản đồng ý tự nguyện hạn chế bán hàng sang Mỹ và cam kết mở ít nhất 20% thị trường nội địa cho nhà sản xuất ngoại. Chính phủ Nhật Bản hướng dẫn ngành bán dẫn trong nước “sử dụng bán dẫn nước ngoài càng nhiều càng tốt thay vì hàng nội”.

Mọi thứ thay đổi, các công ty Nhật Bản dần mất đi lợi thế cạnh tranh. Năm 1989, top 10 nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới có 6 cái tên đến từ Nhật Bản, đứng đầu là NEC, ba đến từ Mỹ và 1 từ châu Âu. Có thể nói, nếu quy đổi ra Thế vận hội Olympic, Nhật Bản thống trị cả ba tấm huy chương Vàng, Bạc và Đồng. Song, bước vào thập niên 90, thị phần dần giảm sút và nổi bật hơn cả sau cuộc đại khủng hoảng năm 1996. Năm 2006, top 10 nhà sản xuất bán dẫn có sự thay đổi: 4 của Mỹ, 2 của Nhật Bản, 2 của Hàn Quốc và 2 của châu Âu. So với năm 1989, số lượng các công ty Nhật Bản giảm mạnh từ 6 xuống 2, dẫn đến quốc gia này là kẻ thua cuộc duy nhất.

Sự bóp nghẹt từ Mỹ chắc chắn có tác động lớn, nhưng Nhật Bản có những vấn đề riêng. Cựu Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Koichi Hagiuda tin rằng sự suy giảm của chất bán dẫn Nhật Bản có liên quan đến áp lực và phản công từ các đối thủ như Mỹ, nhưng những sai lầm trong chiến lược và chiến thuật của chính Nhật Bản cũng là yếu tố dẫn đến thất bại.

Khi Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) thành lập vào năm 1987 và phân công lao động được thông qua, hoạt động thiết kế và sản xuất chất bán dẫn được tách biệt. Vào thời điểm đó, các công ty Nhật Bản thống trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã quen với các phương pháp cũ và không thử phương pháp tách biệt thiết kế và sản xuất mới. Nhật Bản muốn đặt gần như toàn bộ chuỗi công nghiệp trong tầm tay của mình.

Ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản từ lâu đã cho rằng các xưởng đúc wafer đang bị tụt lại phía sau, đại diện cho công nghệ cũ và các ngành công nghiệp sử dụng lao động chỉ là sản xuất theo hợp đồng giá rẻ. Bây giờ nhìn lại, công nghệ sản xuất đã phát triển và việc xây dựng các nhà máy và dây chuyền sản xuất mới, cũng như khấu hao thiết bị cũ đã trở thành chi phí lớn nhất trong sản xuất chất bán dẫn. Sẽ tốt hơn nhiều nếu thuê một xưởng đúc như TSMC sản xuất.

Phải mất một thời gian để Intel và Samsung nhận ra điều này, nhưng cuối cùng họ đã theo kịp thời đại. Chỉ có Nhật Bản là không từ bỏ và để cơ hội tuột mất.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ và thị trường, cung ứng chất bán dẫn đã trở thành một sự phân công lao động trên toàn thế giới. Thông qua thiết kế, sản xuất, đóng gói và thử nghiệm, nó trở thành một sản phẩm và được phân phối đến khắp nơi trên thế giới. Do đó, hiệu quả sản xuất đã được cải thiện đáng kể và các công ty đã có thể giảm chi phí một cách hiệu quả. Tuy nhiên, các công ty Nhật Bản vẫn bị mắc kẹt với các phương pháp sản xuất lỗi thời và không thể mở rộng quy mô và sản xuất hiệu quả.

Vào thời điểm họ nhận ra sự cần thiết phải phân chia lao động trong sản xuất chất bán dẫn và sự suy giảm của ngành sản xuất chất bán dẫn trong nước, mọi chuyện đã quá muộn. Sản xuất wafer đòi hỏi một khoản đầu tư lớn và công nghệ tiên tiến, phải mất một thời gian dài để thu hồi vốn. Thị trường khổng lồ đang nằm trong tay các nhà sản xuất ở Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng máy tính cá nhân đã định hình lại bức tranh công nghệ. Bộ xử lý Intel 8088 được lựa chọn cho PC của IBM và bộ xử lý Motorola được Apple đưa vào máy tính Macintosh đã châm ngòi cho làn sóng nhu cầu bộ nhớ và mạch logic. Nó thúc đẩy các công ty Mỹ như Intel, AMD và Motorola tăng tốc sản xuất chip. Khi làn sóng PC trỗi dậy, Thung lũng Silicon nổi lên như tâm điểm của đổi mới và sản xuất. Họ tận dụng nhu cầu chip ngày càng tăng để trở thành những người chơi lớn trong ngành. Bên cạnh sản xuất chip, các công ty như Cadence, Mentor Graphics và Synopsis cung cấp phần mềm tự động hóa thiết kế cho các nhà thiết kế chip, hợp lý hóa quy trình thiết kế và thúc đẩy sự đổi mới.

Đỉnh cao thị phần của bán dẫn Nhật Bản là 50% nhưng đã giảm xuống dưới 10% vào năm 2020. Đây là sự sụt giảm nghiêm trọng và các công ty Nhật Bản cũng dần biến mất khỏi nhóm đầu. Dù vậy, tình hình đã một lần nữa thay đổi và những bất ổn trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu gia tăng. Nhật Bản đang tìm cách để chấn hưng ngành công nghiệp bán dẫn vô địch một thời.

Thiết kế: Hồng Anh